Đôi bò của ông Chau Thi đạt cúp vô địch Hội đua bò chùa Rô năm 2024
Ngày 8/9, UBND xã An Cư tổ chức Hội đua bò chùa Rô lần thứ X, mừng Lễ Sene Dolta 2024 của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, tại sân đua bò chùa Rô (xã An Cư, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Cư Huỳnh Thanh Hải- Trưởng Ban tổ chức Hội đua bò Chùa Rô, cho biết: “Đua bò là lễ hội truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và của hai huyện miền núi Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên nói riêng. Đây là môn thể thao độc đáo, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân gian ở vùng Bảy Núi, An Giang; có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện quá trình liên kết cộng đồng; trở thành một sự kiện văn hóa, một dạng thể thao đại chúng gần gũi với cộng đồng phum, sóc; trở thành một nhu cầu văn hóa của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi nói chung và của xã An Cư nói riêng. Hàng năm, cứ vào Lễ hội Sen Dolta, Ban Quản trị chùa và bà con tập trung tổ chức hội đua bò để tạo không khí vui tươi trong ngày Hội.
Các đôi bò tham gia diễu hành trước trận đấu
Hội đua bò chùa Rô lần thứ X thu hút 24 đôi bò đến từ 2 địa phương lân cận của TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, cùng tranh tài theo thể thức loại trực tiếp 1 lần thua. Trong mỗi trận đua, 2 đôi bò sẽ trải qua 1 vòng hô, 1 vòng thả, với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả đến từ khắp nơi trong, ngoài tỉnh An Giang, tạo nên không khí náo nhiệt, sôi động mang đậm nét độc đáo của lễ hội văn hóa dân gian, gắn kết cộng động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi.
Các đôi bò tranh tài sôi nổi với từng bước bứt phá về đích
Các đôi bò đạt giải trong Hội đua bò chùa Rô lần thứ X, mừng Lễ Sene Dolta 2024
Kết quả chung cuộc, đôi bò mang số 02 của ông Chau Thi (xã Văn Giáo) đoạt cúp vô địch Hội đua bò chùa Rô lần thứ X; đôi bò số 22 của ông Nguyễn Ngọc Tiến (phường An Phú) đoạt giải nhì; đôi bò số 15 của ông Trần Quốc Kiệt (phường An Phú) đạt giải ba. Ngoài ra, Ban Tổ chức trao một giải tư và 4 giải khuyến khích cho các đội có thành tích
Sau đua bò, tất cả các sư, Nhân dân cùng nhau tập trung xuống ruộng để cấy mạ (hay còn gọi là cấy lúa); Đây là một hoạt động mang đậm nét truyền thống bản sắc văn hóa của Việt Nam nói chung, các dân tộc thiểu số nói riêng”./.
Hữu Ngọc (TT VH- TT & TT Tịnh Biên)